Chăn nuôi tuần hoàn: Gia tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường

Ngành chăn nuôi hàng năm phát sinh hơn 60 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3 nước thải. Nguồn chất thải, nước thải này cần phải được tái sử dụng tạo ra các sản phẩm phân bón, thức ăn cho vật nuôi, điện khí sinh học… để gia lợi nhuận cho chăn nuôi, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chăn nuôi…

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển rất sôi động, nhưng lợi nhuận của người chăn nuôi vẫn bấp bênh.

Ngày 10/7/2023, tại Hà Nội, Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp với Viện Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phát triển chăn nuôi tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

LÃNG PHÍ NGUỒN CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển rất sôi động, chúng ta bắt đầu xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi: lợn sữa, trứng, giống vật nuôi, sữa…

Tuy vậy, lợi nhuận của người chăn nuôi rất bấp bênh, nhiều thời điểm thua lỗ. Muốn chăn nuôi bền vững có lợi nhuận tốt, bên cạnh chăn nuôi theo tín hiệu thị trường, cần phải có các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, phát triển chăn nuôi tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Theo Ths Nguyễn Quỳnh Hoa, Cục Chăn nuôi, một trong những vấn đề lớn đối với ngành chăn nuôi là phân và chất thải từ vật nuôi. Hiện tỷ lệ hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi là 72%; còn 28% hộ chăn nuôi thải trực tiếp chất thải chăn nuôi vào môi trường.

Hiện có 5 biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng. 

Thứ nhất, xử lý chất thải chăn nuôi để sản xuất năng lượng sạch và phân bón hữu cơ (cả nước có trên 550 nghìn công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ và gần 200 nghìn công trình khí sinh học sử dụng công nghệ HDPE quy mô trang trại).

Thứ hai, sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, cải thiện môi trường chăn nuôi và nguồn đệm lót sau xử lý dùng để bón cho cây trồng (cả nước có trên 12 triệu m2 diện tích đệm lót sinh học được áp dụng).

Thứ ba, ủ phân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi áp dụng biện pháp ủ phân vật nuôi là 43% đối với gia cầm, 22% đối với lợn, 23% đối với bò…

Thứ tư, công nghệ vi sinh: Cả nước có trên 233 ngàn hộ chăn nuôi và trên 11 nghìn trang trại chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải và khử mùi trong chăn nuôi.

Thứ năm, chăn nuôi các loại côn trùng ăn chất thải chăn nuôi như trùn quế, ruồi lính đen hiện nay ở nhiều địa phương đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi thu được nguồn protein từ côn trùng phục vụ cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Quang cảnh hội thảo được tổ chức tại Viện Chăn nuôi.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159, cho biết ngày càng có nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ các nguyên liệu sinh học và quá trình diễn ra dựa trên quy tắc phân tầng, nghĩa là các thành phần sinh học này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trước khi trở về chu trình sinh quyển.

Trong thời gian qua, Công ty T&T 159 đã vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để tổ chức thực hiện nhiều mô hình. Cụ thể, xây dựng khu liên hợp tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc và sử thu gom phân gia súc để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh,  góp phần cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mến, Công ty TNHH Dược Hanvet trình bày giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh Han-Proway trong xử lý phân gà làm phân bón hữu cơ. Theo đó, phân gia cầm chứa hàm lượng cao các khoáng đa lượng N, P, K và nhiều chất vi lượng (calcium, magnesium, sulfur và các vi khoáng…).

Ở Việt Nam, phân gia cầm được sử dụng phổ biến làm phân bón rau màu và cây ăn quả, tuy nhiên, khi phân chưa được xử lý hợp lý, sẽ vẫn gây ô nhiễm cho đất và các nguồn nước và không khí. Ngoài ra, phân gia cầm có chứa vi sinh vật gây hại và ký sinh trùng, nguy cơ nhiễm mầm bệnh cho gia cầm và người. Chế phẩm vi sinh Han-Proway là thành phần vi sinh vật có lợi giúp cải tạo đất, đa dạng hệ sinh thái vi sinh vật trong đất, làm giảm các vi khuẩn gây bệnh như Salmonella; Coliform.

HÀNH LANG PHÁP LÝ VÀ TIÊU CHUẨN CHO CHĂN NUÔI TUẦN HOÀN

TS. Nguyễn Phong, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết nội dung về kinh tế tuần hoàn đã được văn bản hóa trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.

Tuy nhiên, TS Phong chỉ ra rằng việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là, tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp, việc sử dụng phụ phẩm vẫn còn đơn giản, chưa tạo được giá trị gia tăng cao.

Khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Hiện nay, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn.

“Hiện vẫn chưa đưa ra được các quy định, các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện, đánh giá, các tiêu chuẩn về công nghệ (sinh học, kỹ thuật nuôi, chế biến) cho các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”, ông Phong nhấn mạnh.

Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra nhiều kiến nghị.

Thứ nhất, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Đề nghị Nhà nước và các cơ quan liên quan cần hàn thiện chính sách về giá điện từ khí sinh học khả thi để khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn khai thác hết lượng khí sinh học dư thừa. Hoàn thiện các quy định liên quan đến thị trường tài chính tín chỉ các bon từ khí sinh học ngành chăn nuôi; quy định liên quan đến kiểm kê khí nhà kính ngành chăn nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn” – Ths Nguyễn Quỳnh Hoa, Cục Chăn nuôi.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và thương mại nông sản theo kinh tế tuần hoàn tương tự như các ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn, tiếp cận tín dụng, công nghệ, thị trường nhằm khuyến doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cả trong nước và quốc tế về nông nghiệp tuần hoàn nói chung, chăn nuôi tuần hoàn nói riêng.

Thứ tư, xây dựng các trang thông tin điện tử để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin, các vấn đề và các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.

Về phía Cục Chăn nuôi, bà Nguyễn Quỳnh Hoa cho hay Cục sẽ xây dựng và hoàn thiện Bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn quy trình Hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN, quy định kỹ thuật đối với sản phẩm chế biến từ chất thải chăn nuôi.

Cục Chăn nuôi đề xuất tổ chức đào tạo tập huấn tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất thải đến tổ chức, cá nhân chăn nuôi.

“Khuyến khích nghiên cứu phát triển công nghệ mới để xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất năng lượng tái tạo, nuôi côn trùng/sinh vật có ích để chuyển hóa chất thải thành protein làm thức ăn cho vật nuôi, phân bón hữu cơ. Tăng cường nghiên cứu phát triển và nhập khẩu công nghệ để sản xuất sản phẩm probitic, chế phẩm vi sinh, enzyme nhằm hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng và giúp xử lý chất thải, cải thiện môi trường chăn nuôi”, bà Hoa chia sẻ.

Nguồn: https://vneconomy.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.