Ninh Bình: Hơn 100 hội viên nông dân được tuyên truyền về xử lý rác thải hữu cơ

Ngày 26/4, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tổ chức cho hơn 100 hội viên nông dân huyện Gia Viễn về các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường. Đây là Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”

Tại hội nghị, các đại biểu được thông tin về thực trạng phân loại, xử lý rác thải, phụ phẩm nông nghiệp và hiệu quả của việc áp dụng các phương pháp xử lý chất thải hữu cơ từ thực phẩm thừa và trong sản xuất nông nghiệp.

Hơn 100 hội viên nông dân (huyện Gia Viễn) được tuyên truyền về xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường. Ảnh: HND

Qua đó, 5 giải pháp kỹ thuật (lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và xử lý gốc rạ bằng Trichoderma, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế).

Được biết, là những kỹ thuật đơn giản, dễ làm, dễ áp dụng, chi phí thấp, thân thiện với môi trường vì hạn chế đến mức thấp nhất phát thải khí nhà kính CO2, CH4, N20… nguyên nhân của biến đổi khí hậu.

Hội viên nông dân được hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: HND

Cụ thể, đối với việc lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi nhằm giúp cải thiện chất lượng dinh dưỡng của thức ăn, loại bỏ hoặc làm giảm độc tố, tăng cường sự phát triển của vật nuôi. Đặc biệt, giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí metan từ dạ cỏ của gia súc.

Bên cạnh đó, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày giúp nông dân không phải lãng phí thời gian, công sức vào việc dọn dẹp phân gà, chuồng trại không có mùi khó chịu, gà khỏe mạnh hơn, tạo ra phân ủ tốt hơn.

Ngoài ra, xử lý gốc rạ bằng Trichoderma chỉ trong 13-15 ngày gốc rạ sẽ phân hủy, tạo độ phì nhiêu lâu dài cho đất, ủ phân hữu cơ tại ruộng giúp giảm việc sử dụng phân bón hóa học, giảm chi phí sản xuất.

Hội viên nông dân huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) vui mừng khi nhận chế phẩm. Ảnh: HND

Đồng thời, người nông dân nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế bằng phân lợn, phân trâu, bò, thức ăn thừa vừa tạo ra phân hữu cơ tăng khả năng kháng sâu bệnh cho cây trồng, vừa tạo ra nguồn thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng.

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, đến nay trên địa bàn 3 xã Gia Thịnh, Gia Hòa, Gia Phú (huyện Gia Viễn) có trên 330 mô hình áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của nông dân trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Nguồn: https://danviet.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.