Mô hình chăn nuôi tích hợp, tuần hoàn: Hướng đi mới của nền kinh tế xanh

Chăn nuôi tuần hoàn là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; Ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường.

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Tại Tuyên Quang, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Dương Văn Thành, ở thôn Lũng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được xem là điển hình cho việc ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn không chất thải trong chăn nuôi. Theo đó, trang trại của anh Thành rộng gần 2ha, được bố trí một cách khoa học, với các khu vực riêng biệt như: Khu vực chế biến thức ăn chăn nuôi, khu vực nuôi bò, khu vực nuôi giun trùn quế và khu vực để chăn nuôi gia cầm.

Chia sẻ về mô hình chăn nuôi tuần hoàn của gia đình mình, anh Dương Văn Thành cho biết: Sau khi tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật nuôi bò, gà thả vườn, trùn quế tại tỉnh Phú Thọ, năm 2018, tôi mạnh dạn đầu tư mua 50 con bò về nuôi vỗ béo. Để đàn bò phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi thiết kế hệ thống chuồng trại với diện tích 800m2, thoáng mát, hợp vệ sinh, đảm bảo tốt cho việc nuôi nhốt và vỗ béo của đàn bò.

Theo anh Thành, trước khi đưa bò vào nuôi vỗ béo, anh phải thực hiện tẩy ký sinh trùng và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định của cơ quan chuyên môn.

Thức ăn cho bò ngoài rơm khô dự trữ, gia đình còn chủ động trồng hơn 1ha cỏ voi, VA06… để đảm bảo nguồn thức ăn cỏ tươi thường xuyên cho đàn bò. Đến nay, gia đình anh đang nuôi 60 con bò thịt vỗ béo/lứa (giống bò lai Sind và bò 3B), trung bình mỗi năm nuôi 2 lứa, sau 5 tháng vỗ béo, trung bình đạt 150kg/con, giá bán bò hơi là 85.000 đồng/kg.

Chăn nuôi tuần hoàn là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm

Để tận dụng nguồn phân bò sẵn có, anh Thành đầu tư nuôi trùn quế trên diện tích 1.000m2; Sử dụng phân trùn quế làm phân bón cho 1ha cỏ của gia đình và bán ra thị trường với giá 1.700 đồng/kg. Trung bình anh bán 8 tấn phân/đợt và 4 đợt/năm. Lượng giun trùn quế được anh sử dụng làm thức ăn cho 200 con gà thịt. Do chủ động được nguồn thức ăn sạch, đảm bảo dinh dưỡng và tiêm phòng đầy đủ nên đàn gà lớn nhanh, không bị dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Qua 4 năm áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn, đàn vật nuôi của gia đình anh Thành phát triển khỏe mạnh, đất đai màu mỡ, môi trường sản xuất được bảo đảm an toàn, sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn từ sản xuất thức ăn, trang trại, thực phẩm và phân bón hữu cơ (hệ thống chăn nuôi tuần hoàn 4F) khá hiệu quả.

Tại Hà Nội cũng đang triển khai dự án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học ở Sơn Tây, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai… Thông qua mô hình này, người dân có thêm cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học – kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, phát triển chuỗi liên kết, nhờ đó tăng hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với chăn nuôi truyền thống.

Cùng với đó, để hướng dẫn người chăn nuôi hiểu biết đầy đủ hơn những kỹ thuật chăn nuôi góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường, các đơn vị chức năng đã hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn hỗn hợp, giúp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn (dịch tả lợn châu Phi, tiêu chảy), giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Chăn nuôi tuần hoàn khép kín góp phần phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp

Đồng thời áp dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín (sử dụng toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm đệm lót sinh học cho vật nuôi), góp phần phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp tại các địa phương nêu trên. Để tổ chức các mô hình chăn nuôi tuần hoàn khá tốt trong thực tế, các công ty đã vận dụng sáng tạo một số nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn như: Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại. Xử lý triệt để các ảnh hưởng môi trường trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, nhằm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Tuy đạt được một số kết quả khả quan, song việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn như: Nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, vẫn còn tình trạng lãng phí các phụ phẩm cây trồng, chất thải vật nuôi. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò, lợi ích, bản chất của phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi chưa đầy đủ. Nhiều hộ tham gia vẫn theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên khi tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật còn hạn chế….

Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập nêu trên, Nhà nước cần có chính sách đặc thù (ưu đãi về cơ chế, thủ tục hành chính, tài chính, tiếp cận các nguồn lực) để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp. Xây dựng thêm các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái: Trồng trọt – chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt. Khuyến khích các mô hình trồng trọt – chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi kinh tế tuần hoàn, các mô hình liên kết hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, hạn chế sử dụng kháng sinh; Tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, hiệu quả và lợi ích mà các mô hình mang lại.

Nguồn: https://tuoitrethudo.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.