Quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn, phát thải thấp

Thúc đẩy cơ giới hoá thu gom, xử lý, sử dụng rơm rạ nhằm hỗ trợ cho đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh.

Các đại biểu tham dự hội thảo tại phiên Tham vấn chính sách về Quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ngày 13/7 tại TP Vị Thanh (Hậu Giang), Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo tham vấn chính sách về quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp và tổ chức lễ công bố ban hành quy trình và sổ tay quản lý rơm rạ.

Tham dự hội thảo có nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, Trưởng đại diện IRRI tại Việt Nam, lãnh đạo Cục Trồng trọt, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và các chuyên gia quốc tế.

Lãng phí hàng chục triệu tấn rơm rạ

Tại hội thảo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, thời gian qua, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đã có sự phát triển rất ấn tượng, với sản lượng lúa thu hoạch những năm gần đây đều đạt trên 24 triệu tấn lúa/năm. Tuy nhiên, hầu như nông dân mới chỉ chú trọng đến thu lúa gạo, còn rơm rạ, trấu chưa quan tâm khai thác.

Với diện tích sản xuất và sản lượng lúa thu được, ước tính lượng rơm rạ hàng năm ở ĐBSCL tương đương khoảng 24 triệu tấn được thải ra sau khi thu hoạch. Tuy nhiên đến nay, qua thống kê mới chỉ có khoảng 30% trong số đó được thu gom xử lý, còn lại lãng phí, đốt gây ô nhiễm môi trường. Đây không chỉ là sự lãng phí lớn trong sản xuất lúa gạo mà còn gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng phát thải khí nhà kính.

Thu gom, xử lý rơm rạ không chỉ mang lại giá trị gia tăng mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Hoàng Vũ.

“Mục đích khi xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL chúng ta không chỉ quan tâm đến lúa gạo lương thực, mà còn gạo dược liệu, chế biến mỹ phẩm, thu gom xử lý rơm rạ, chế biến các phụ phẩm trong chuỗi giá trị lúa gạo để tăng thêm thu nhập cho nông dân”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về định hướng, chính sách cho quản lý rơm rạ phục vụ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”; liên kết các tác nhân gồm nhà nước – doanh nghiệp – tổ chức nông dân – khoa học công nghệ trong thực hiện quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp. 

Hàng chục triệu tấn rơm rạ đang bị lãng phí ở ĐBSCL, nếu được thu gom, xử lý thành phân bón hữu cơ sẽ mang lại giá trị rất lớn và giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát – Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế chia sẻ: ĐBSCL với sản lượng thu hoạch mỗi năm khoảng 24 triệu tấn lúa, đồng thời tạo ra khoảng 26 – 27 triệu tấn rơm rạ. Đây là nguồn sinh khối lớn chứa chất hữu cơ và dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện tại còn khoảng 70% lượng rơm rạ bà con đốt trên đồng hoặc vùi vào đất…

Việc đốt rơm vừa gây mất các chất dinh dưỡng có trong rơm, vừa làm mất đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, việc vùi rơm vào ruộng ngập nước gây tăng phát thải khí mê-tan và khí thải nhà kính. Thực trạng trên cho thấy cần có chính sách và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể để quản lý và sử dụng rơm rạ ở ĐBSCL nói riêng, ở Việt Nam nói chung theo định hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp.

Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nêu hai thách thức lớn mà hoạt động sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang phải đối mặt. Một là tính hấp dẫn từ hoạt động còn thấp và luôn bấp bênh. Hai là chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo còn thiếu bền vững. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đang ngày càng gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất lúa gạo. Thu nhập của nông dân trồng lúa thấp hơn nhiều so với các cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản.

Mặt tích cực, theo ông Cao Đức Phát là Bộ NN-PTNT đã có Đề án tái cơ cấu nông nghiệp được triển khai thực hiện hơn 10 năm qua và đã đạt được nhiều kết quả, tạo được nhiều thay đổi lớn cho ngành hàng lúa gạo. Đặc biệt là đã thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp, chuyển từ sản xuất chạy theo số lượng sang chất lượng và đã có những bước tiến khi giá gạo xuất khẩu ngày càng tăng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo còn bị bỏ phí, chưa phát huy được hiệu quả. Thời gian qua, chúng ta tập trung nhiều cho các khâu sản xuất trên đồng ruộng nhưng còn hạn chế ở khâu sau thu hoạch, tạo ra giá trị gia tăng cao cho ngành hàng lúa gạo. Chúng ta cần phải hướng dẫn khích lệ bà con nông dân với sự đồng hành của doanh nghiệp để tận dụng nguồn nguyên liệu từ rơm rạ đang bỏ phí.

Quản lý rơm rạ theo chuỗi tuần hoàn

Tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, quản lý rơm rạ phải đạt được hai mục đích là tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính. Trong quản lý rơm rạ, chúng ta mới chỉ chú ý tăng thêm lợi nhuận hay trả lại cho đồng ruộng để lấy dinh dưỡng nhưng lại ít chú ý đến giảm phát thải khí nhà kính từ rơm rạ.

“Vì vậy, giải pháp tối ưu là cần di chuyển rơm rạ ra khỏi đồng ruộng, quản lý, xử lý theo quy trình tuần hoàn, khép kín là tuyệt vời nhất. Và chỉ có quy trình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính mới mang lại tính bền vững cho ngành hàng lúa gạo”, nguyên Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nêu định hướng.

Cục Trồng trọt và Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế đã công bố Quy trình và Sổ tay hướng dẫn Quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, từ năm 2000 trở lại đây, Viện đã xây dựng quy trình chế biến rơm rạ thành phân bón và bón ngược lại đồng ruộng. Qua nghiên cứu liên tục cho thấy, nếu bón 6 tấn phân hữu cơ/ha thì có thể thay thế 50% phân bón hóa học trong canh tác lúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta mua phân hữu cơ với giá thị trường hiện nay khoảng 3 triệu đồng/tấn, nếu bón cho lúa thì không hiệu quả về mặt kinh tế.

Ông Thạch đề xuất phân bón hữu cơ được ủ từ rơm rạ nên dành cho những cây trồng khác như rau màu để mang lại giá trị cao hơn. Còn rơm sau khi được di chuyển ra khỏi đồng ruộng nên sử dụng trồng nấm rơm để nâng cao hiệu quả sử dụng, sau đó mới lấy nguồn rơm này để làm phân hữu cơ vì sẽ rút ngắn được thời gian ủ. Phần gốc rạ còn trên ruộng cũng nên sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý làm hoai mục nhanh, tạo nguồn dinh dưỡng trả lại đồng ruộng, hạn chế phát thải và gây ngộ độc hữu cơ cho lúa đầu vụ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh: Thông qua hội thảo cho thấy ngành trồng trọt có nhiều cơ hội và cần làm nhiều hơn, liên kết chặt chẽ hơn giữa chính sách – công nghệ và thực hành – nhân rộng áp dụng vào thực tiễn một cách đồng bộ.

Cục Trồng trọt tặng Sổ tay hướng dẫn Quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở ĐBSCL cho đại diện ngành nông nghiệp các địa phương. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Tùng cho biết, quy trình và sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp bao gồm một số kỹ thuật mới nhưng đã có minh chứng áp dụng thực tiễn và khả thi về mặt kinh tế và cần được nhân rộng để đóng góp tích cực vào chương trình phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, và gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Tại hội thảo, Cục Trồng trọt và Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế đã công bố Quy trình và Sổ tay hướng dẫn Quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở ĐBSCL.

Với mục tiêu giới thiệu về đặc điểm, quy trình quản lý, sử dụng rơm rạ theo hướng tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo, sổ tay hướng dẫn này sẽ hỗ trợ cho các hộ nông dân, cán bộ khuyến nông, HTX, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và những người quan tâm đến sản xuất lúa gạo theo hướng tuần hoàn gắn với giảm phát thải khí nhà kính.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.