Ông Phạm Thế Luân, Chi hội trưởng nông dân xóm 15 (xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) hiện đang nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, trùn quế thu về gần 100 triệu đồng/năm. Quan điểm của ông Luân là xây dựng một hệ thống chăn nuôi ít phụ thuộc vào bên ngoài, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Nuôi gà, nuôi sâu canxi, trùn quế phát triển kinh tế
Phóng viên Dân Việt tìm về xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, hỏi ông Phạm Thế Luân xóm 15, hộ đang kết hợp nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, trùn quế hầu như ai cũng biết và chỉ dẫn tận tình.

Ông Phạm Thế Luân xã Khánh Công (huyện Yên Khánh) chia sẻ cách nuôi con gà trên đệm lót sinh học dày.
Qua tìm hiểu, ông Luân được nhiều người quý mến và biết đến bởi cách làm kinh tế thông minh, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình gần 100 triệu đồng/năm.
Qua trò chuyện, ông Phạm Thế Luân chia sẻ: “Được giảng viên Hội Nông dân Ninh Bình hướng dẫn các quy trình kỹ thuật nuôi nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế tôi thấy thiết thực.
Sự kết hợp những con nuôi này không chỉ tiết kiệm về chi phí, công sức lao động… mà còn góp phần bảo vệ môi trường rất tốt”.

Ông Phạm Thế Luân, Chi hội trưởng nông dân xóm 15 (xã Khánh Công) cầm trên tay con gà nuôi trên đệm lót sinh học dày khỏe mạnh. Ảnh: Vũ Thượng
Năm 2023 gia đình ông Luân bắt đầu triển khai mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày với diện tích 30m2, tương ứng 100 con gà thương phẩm; 30m2 diện tích để nuôi sâu canxi; và 5m2 nuôi giun trùn quế.
Được biết, so với cách nuôi trước kia, thì cách nuôi mới này hiệu quả hơn rất nhiều lần, bình quân một năm hộ ông Luân bán từ 2-3 lứa gà thương phẩm và thu về gần 100 triệu đồng.

Giá gà thương phẩm ông Luân đang bán 120.000 đồng/kg. Ảnh: V T
Ông Phạm Thế Luân nhận xét, việc kết hợp nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi và trùn quế tạo ra một mô hình chăn nuôi thông minh, hiệu quả, bền vững… Qua đó, giúp người nông dân chăn nuôi giảm chi phí, tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm.
Chăn nuôi nhằm giảm áp lực lên môi trường
Nói về ưu điểm của việc kết hợp chăn nuôi, ông Luân chia sẻ: Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày cùng với nuôi sâu canxi và trùn quế tạo ra một hệ thống chăn nuôi tuần hoàn.

Sử dụng đệm lót sinh học nuôi gà là giải pháp chăn nuôi ngăn mùi hôi hiệu quả. Ảnh: V T
Cụ thể, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày giúp đàn gà giảm bệnh tật, môi trường sống tốt cho con gà, tăng năng suất, giảm ô nhiễm,…Đồng thời, tạo phân bón hữu cơ, giảm công lao động, tiết kiệm chi phí, hướng đến chăn nuôi bền vững.
Bởi lớp đệm dày hơn chứa nhiều vi sinh vật, giúp quá trình phân hủy chất thải diễn ra hiệu quả và triệt để. Ngoài ra, lớp đệm dày có khả năng cách nhiệt tốt, giúp chuồng ấm vào mùa đông và mát về mùa hè…

Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình gắn biển mô hình nuôi sâu canxi ở huyện Yên Khánh. Ảnh: V T

Nuôi sâu canxi tạo nguồn thức ăn bổ sung chất lượng cao cho con gà. Ảnh: V T
Sâu canxi giàu protein, chất béo, canxi và các khoáng chất, giúp gà tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh, đẻ trứng tốt và vỏ trứng dày. Đặc biệt, hàm lượng canxi cao rất tốt cho sự phát triển xương của gà.
Riêng trùn quế là nguồn protein dồi dào, dễ tiêu hóa, giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch cho con gà.
Cả sâu canxi và trùn quế đều có khả năng phân hủy phân gà và các chất thải hữu cơ khác từ chuồng nuôi trên đệm lót sinh học. Điều này tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín, giảm áp lực lên môi trường. Cũng như biến chất thải thành thức ăn cho vật nuôi và phân bón hữu cơ.
Kỹ thuật nuôi sâu canxi và trùn quế
Ông Phạm Thế Luân nói: “Quy trình nuôi sâu canxi đơn giản qua các bước như: Chuẩn bị chuồng nuôi, chuẩn bị giống, bổ sung thức ăn, kiểm tra độ ẩm và nhiệt độ, thu hoạch sâu canxi”.

Cận cảnh con sâu canxi. Ảnh: V T

Sâu canxi được nuôi trong thùng xốp tiết kiệm diện tích. Ảnh: V T

Nhân giống sâu canxi từ trứng ruồi lính đen. Ảnh: V T
Bên cạnh đó, bà con nông dân có thể áp dụng các bước kỹ thuật nhân giống sâu canxi để tự sản xuất trứng ruồi lính đen như chuẩn bị lồng nuôi ruồi lính đen, hộp chứa nhộng, chất dẫn dụ, ổ đẻ trứng, thu hoạch trứng.
Con sâu canxi là loài phàm ăn trong thế giới tự nhiên, chỉ cần là hữu cơ thì chúng có thể ăn được và ăn cả ngày lẫn đêm. Chỉ với 1 mét vuông ấu trùng có thể ăn tới 40kg phân lợn tươi mỗi ngày và cứ 100 kg phân có thể sản xuất ra 18kg ấu trùng.

Kỹ thuật nuôi sâu canxi và trùn quế theo ông Luân (xóm 15, xã Khánh Công) đơn giản. Ảnh: V T

Nuôi trùn quế để xử lý chất thải nông nghiệp hiệu quả. Ảnh: V T
Còn đối với nuôi con trùn quế thực hiện qua 7 bước cụ thể: Chuẩn bị chuồng nuôi, chọn trùn giống và thả vào chuồng, đổ đầy thức ăn sau khi thả trùn giống, che phủ chuồng nuôi, cho trùn quế ăn, kiểm tra độ ẩm và nhiệt độ, thu hoạch trùn quế.
Mục đích nuôi trùn quế nhằm xử lý chất thải nông nghiệp (phân vật nuôi) thành thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, bởi trùn quế chứa 17 loại axit amin, khoáng chất, hóc môn tăng trưởng tự nhiên.

Nuôi sâu canxi và trùn quế làm thức ăn trong chăn nuôi nhằm tiết kiệm chi phí. Ảnh: V T
Ngoài ra, phân trùn quế là loại phân hữu cơ chất lượng cao, cải tạo đất kém màu mỡ, nhờ đó giúp người nông dân tăng thêm thu nhập.
Ông Luân cho biết, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao, việc nuôi trùn quế khá đơn giản, vừa xử lý được phân vật nuôi, vừa tạo ra thức ăn giá trị cho lợn, gà…rất hay và hiệu quả.
“Tôi thấy mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế đang tạo nên một hệ thống chăn nuôi tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Riêng hộ ông Phạm Thế Luân (xóm 15, xã Khánh Công) sau khi được đi tham quan, tập huấn ông đã về triển khai đúng kỹ thuật và đang đem lại hiệu quả chăn nuôi thiết thực. Ông Luân tham gia các lớp tập huấn thuộc dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, ông Đỗ Gia Hiểu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Công cho biết.
Nguồn: https://danviet.vn/