Mỗi năm Việt Nam có 47 triệu tấn rơm rạ phải ‘biến thành tiền’

TPO – Ngày 14/7, tại Hậu Giang, Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang tổ chức sự kiện trình diễn đồng ruộng về công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững.

Sự kiện nhằm giới thiệu việc cơ giới hóa trong thu gom rơm sau thu hoạch và các công nghệ xử lý chế biến rơm tạo các sản phẩm xanh và phát thải thấp.

Theo Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Việt Nam có khoảng 47 triệu tấn rơm rạ mỗi năm nhưng mới chỉ hơn 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây… phần lớn còn lại chủ yếu là đốt hoặc vùi vào ruộng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, phụ phẩm nông nghiệp là một tài nguyên cần phải phát huy để nâng cao giá trị, giúp bà con nâng cao thu nhập. Hiện nay, sản xuất lúa Việt Nam đạt khoảng 42 triệu tấn/năm, tương đương lượng rơm rạ đưa ra môi trường trên 40 triệu tấn, trong đó, vùng ĐBSCL chiếm hơn một nửa, lượng rơm rạ rất lớn này cần phải tạo ra giá trị tăng thêm ngoài hạt gạo.

“Tập quán của bà con nông dân là sau khi thu hoạch lúa thì đốt rơm ngoài đồng, việc này tạo ra lượng phát thải rất lớn. Mục tiêu của chúng ta là giảm phát thải khí nhà kính, đây cũng là giải pháp mà Bộ NN&PTNT đã làm việc với các tỉnh ĐBSCL để sớm trình Chính phủ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải.” – ông Nam nói.

Đông đảo người dân xem trình diễn

Ông Cao Đức Phát – Chủ tịch HĐQT IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – cho hay, việc đốt rơm trên đồng là nguyên nhân lớn góp vào phát thải khí nhà kính, ngành lúa gạo tạo ra gần một nửa khí phát thải của toàn ngành nông nghiệp.

“Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhiều năm qua, nhưng đến nay kiểm lại vẫn còn đến 70% rơm rạ đốt hoặc vùi vào đất, chỉ có 30% được thu gom để sử dụng. Điều đặt ra là phải sử dụng hết lượng rơm rạ này, phải biến nó thành tiền chứ không phải thứ bỏ đi. Không những thành tiền cho nông dân, cho doanh nghiệp mà còn không làm hại cho môi trường, đó là mục tiêu hướng tới” – nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu.

Nguồn: https://tienphong.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.