Biến rác thành tiền

“Thấy tôi bảo đi lấy rơm về lót đệm chuồng gà, ai cũng bảo, “ông nói phét”, không tin. Vì từ cổ chí kim chẳng ai nuôi gà bằng rơm. Nhưng tôi đã làm được và rất hiệu quả. Trước vào chuồng gà vừa hôi, vừa bẩn, cứ phải đi ủng mới dám bước. Nay, không có mùi gì cả. Đi chân đất cũng bước ngon lành” – ông Hoàng Xuân Hùng, thôn Quyết Thắng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) phấn khởi khi giới thiệu mô hình nuôi gà đệm lót sinh học bằng rơm, rạ của mình.

Lợi ích kép

Ông Hoàng Xuân Hùng, thôn Quyết Thắng, xã Mỹ Bằng năm nay 73 tuổi. Gia đình ông có ngót 50 năm nuôi gà thả vườn. Bình quân ông bà nuôi trên 100 con/lứa. Ông bảo, trước kia gà ông nuôi theo cách truyền thống, 1 tuần quét dọn chuồng một lần. Vậy mà, chuồng gà vẫn hôi, nhiều mạt. Việc ngại nhất trong ngày với ông chính là phải bước chân vào chuồng gà mỗi sáng.

Cuối năm 2022, ông được tham gia lớp tập huấn về phương pháp, xử lý rác thải hữu cơ, ông tâm đắc lắm. Nhà không làm ruộng, ông bà đi mua rơm, rạ giá rẻ của dân trong xóm về ủ, làm đệm lót sinh học chăn nuôi gà. “Từ ngày nuôi gà bằng đệm lót sinh học, nhàn hẳn, hết một lứa gà mới phải dọn chuồng. Đặc biệt, chuồng gà không có mùi hôi, con mạt”. Nhà mình làm hiệu quả, ông Hùng tích cực vận động bà con lối xóm làm theo mình. Ông phấn khởi, bảo: “Tôi vận động được thêm 5 hộ nuôi gà đệm lót sinh học bằng rơm, rạ rồi. Có hộ viện lý do không có rơm, tôi mách đi lấy lá keo khô, trấu về rải. Nuôi theo phương pháp này vừa sạch sẽ chuồng trại, vừa tiết kiệm công dọn chuồng, lại xử lý được số rơm rạ dân xả thải ra gây ô nhiễm môi trường”.

ội Nông dân tỉnh tập huấn, hướng dẫn các giảng viên kỹ thuật nuôi giun trùn quế

Gia đình chị Đặng Thị Tâm, thôn Đá Bàn 1, là 1 trong 2 hộ đầu tiên trong xóm mạnh dạn nuôi giun quế. Chị Tâm chia sẻ: “Trước nhà nuôi nhiều trâu lắm, phân chuồng mình không biết tận dụng, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Giờ biết đến con giun quế, phân trâu được dọn gọn hàng ngày nuôi giun”. Cách 1 tuần, chị lại đi gom phân trâu của bà con trong xóm về nuôi giun. Từ ngày nuôi giun quế, chị Tâm tiết kiệm được một khoản tiền mua phân hóa học bón ruộng dưa nhà mình. “Bón phân trùn quế vừa xốp đất, tươi tốt, dưa không bị nấm. Bình quân mỗi sào dưa, tôi tiết kiệm được trên 1 triệu tiền phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nhà tôi có 4 sào, tiết kiệm trên 4 triệu/vụ. Chưa kể tiền bán giun. Vừa qua, nhà tôi vừa xuất trên 1 tấn giun và trùn, thu được 20 triệu đồng” – chị Tâm phấn khởi, khoe.

Cũng giống như gia đình chị Tâm, gia đình anh Hoàng Văn Học, thôn Định Chung, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) nuôi nhiều bò, nhưng nguồn phân cũng chỉ đắp không đấy đợi đến mùa bón ruộng. Từ ngày được Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn về phương pháp nuôi giun trùn quế, gia đình anh xung phong làm ngay. Anh Học chia sẻ: “Lợi ích kép từ việc thực hiện nuôi giun trùn quế là chuồng trại sạch sẽ, không có mùi. Gia đình có thêm một lượng giun nuôi gà, gà lớn nhanh lại không tốn thức ăn, thịt gà cũng thơm ngon hơn”.

Theo đồng chí Triệu Văn Đô, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Ứng, là xã thuần nông, nhiều hộ dân chăn nuôi, việc biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn, phân bón hữu cơ là việc làm rất cần thiết, góp phần cải thiện môi trường nông thôn. Trước nay, phân trâu, bò, rác thải sinh hoạt bà con đều không biết cách tận dụng, vừa lãng phí vừa ô nhiễm, nhưng nay, nhiều hộ dân đã tận dụng nuôi giun trùn quế và ủ làm phân bón hữu cơ.

Nỗ lực làm sạch môi trường

Thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”,  Hội Nông dân tỉnh đã lựa chọn nội dung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ gia đình hội viên nông dân phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm sinh học thành phân bón vi sinh tại nguồn. Đây cũng là việc làm trọng tâm, đột phá trong việc thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội.

Để phong trào hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải tại hộ gia đình và xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh cho các hội viên. Đặc biệt, triển khai dự án của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022 – 2024. Từ năm 2022 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 1 hội thảo khởi động dự án, 2 khóa tập huấn giảng viên nguồn và 23 lớp tập huấn tại 9 xã, phường thực hiện dự án về kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã xây dựng trên 40 mô hình phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn tại các huyện, thành phố. Riêng Hội Nông dân tỉnh tổ chức thực hiện 3 mô hình điểm: “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn” tại phường Tân Hà (thành phố Tuyên Quang), “Tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng công nghệ sinh học để tận thu và xử lý chất thải trong chăn nuôi” tại xã Phúc Ứng (Sơn Dương) và “Xử lý nước thải, chất thải bằng biện pháp sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại làng nghề bột miến dong” tại xã Lực Hành (Yên Sơn).

Đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: từ trước đến nay, người dân của mình chỉ nghĩ bón phân tốt cho cây, thu hoạch năng suất, chứ chưa nghĩ đến việc bồi đắp cho đất. Tuy nhiên, muốn cây khỏe, đất phải khỏe. Mà các phụ phẩm nông nghiệp có thể cải tạo được đất, làm cho đất màu mỡ, tơi xốp. Việc thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình của các cấp Hội Nông dân đem lại lợi ích cả về môi trường và kinh tế, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Người nông dân hưởng lợi, môi trường đất, môi trường nước được cải tạo và ngành nông nghiệp sẽ phát triển bền vững.

Phóng sự: Bàn Thanh

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.