Từ những thứ rác thải bỏ đi, gốc rau, trái cây hư, những người nông dân ở Đạ Tẻh đang biến thành một loại phân bón hữu cơ. Rác thải cũng đang trở thành nguồn nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nông dân Đạ Tẻh xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ
Người nông dân còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi, bạn Vũ Mạnh Hùng, cư dân Thôn 7, thị trấn Đạ Tẻh chia sẻ niềm vui: “Từ khi triển khai nuôi trùn quế đến bây giờ, nhà tôi sản xuất phân không kịp bán. Có mẻ phân mới được thu là có người chờ để thu mua ngay, tiền trả liền. Tôi đang tính toán mở rộng diện tích nuôi trùn quế để có thêm nguồn phân hữu cơ, xử lý thêm nhiều các loại sản phẩm sau khi sơ chế nông sản”. Vũ Mạnh Hùng là một thành viên tích cực, người được hưởng lợi từ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Ông Trần Hùng Cường – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh đánh giá, Dự án Xử lý rác thải do Hội Nông dân triển khai trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã mang lại một kết quả rất tốt. Theo ông Cường, nhu cầu xử lý rác thải của cư dân là rất lớn. Từ nguồn của ngành Nông nghiệp, từ sự chủ động của các địa phương, của Hội Nông dân các cấp, hoạt động xử lý môi trường tại Đạ Tẻh cũng được triển khai từ nhiều năm nay. Các mô hình xử lý rác thải, “đổi rác thành tiền”, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng… được triển khai rộng khắp trên địa bàn. Và, Dự án Xử lý rác thải đã được bà con nông dân hưởng ứng tích cực, nhanh chóng đi vào đời sống sản xuất nông nghiệp. Các mô hình ủ rơm rạ, rau, củ, quả thành phân hữu cơ, nuôi trùn quế lấy phân, nuôi sâu can-xi, nuôi gà, heo trên đệm lót sinh học được triển khai rộng rãi, đóng góp rất lớn vào hoạt động xử lý môi trường.
Theo ông Trần Hùng Cường, tại huyện Đạ Tẻh, dự án triển khai tại 3 xã bao gồm xã Đạ Kho, Triệu Hải và thị trấn Đạ Tẻh. Qua thời gian, nhận thấy hiệu quả của việc xử lý rác thải cũng như nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế, nông dân các xã không nằm trong vùng dự án cũng học theo, đi tìm hiểu các mô hình và triển khai tại địa phương mình. Theo ông Cường, có trên 300 hộ đã và đang tiếp cận với Dự án Xử lý rác thải, học hỏi kỹ thuật từ cán bộ dự án. Đặc biệt, dự án đã tập huấn, đào tạo được một lực lượng giảng viên nguồn từ chính những người nông dân trên địa bàn. Đây sẽ là lực lượng chuyển giao kỹ thuật ngay tại cơ sở, giúp các nông hộ tiếp cận với thông tin nhanh chóng, dễ dàng.
Ông Nguyễn Quang Minh, Thôn 4, xã Mỹ Đức là một trong những hộ triển khai thành công mô hình nuôi ruồi lính đen xử lý rác. Con ruồi lính đen, vật nuôi ăn rất khoẻ, chuyên xử lý các loại phân từ gia súc, gia cầm và rau hư, củ, quả hư các loại. Ruồi lính đen, trong quá trình sinh trưởng đẻ ấu trùng được gọi là sâu can- xi, thứ côn trùng có dinh dưỡng cao, làm thức ăn cho gia cầm, cá rất tốt, vật nuôi lớn nhanh, đề kháng tốt. Ông Minh dùng sâu can-xi để nuôi gà cho kết quả cao. Đặc biệt, ông Minh còn là hộ làm giống sâu rất thành công. Qua quá trình mày mò nghiên cứu, tìm tòi, ông Minh đã tìm được cách nuôi ruồi lính đen sinh sản để thu trứng và ấp nở sâu non. Trứng sâu can-xi được ông Minh dính trên các vỉ giấy, được bán với giá 1,5 triệu đồng/kg. Ngoài bán vỉ trứng để nông dân chủ động ấp nở, ông Minh còn cho ấp nở thành sâu non để bán cho các hộ có nhu cầu xử lý phân, rác thải ngay lập tức. Ông Minh là một trong những nông hộ thành công từ sự lan toả của Dự án Xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Những ngày cuối tháng 8/2024, Dự án Xử lý rác thải đã tiếp tục hỗ trợ nông dân Đạ Tẻh hàng trăm triệu đồng vật tư phục vụ dự án. Từ men Trichoderma xử lý rác thành phân hữu cơ cho đến máy thái cỏ, thùng nuôi sâu can-xi, cát, xi- măng để xây bể ủ phân hữu cơ…, Dự án hỗ trợ người nông dân cơ sở ban đầu để triển khai hoạt động xử lý môi trường. Tuy nhiên, anh Vũ Mạnh Hùng vẫn chia sẻ cái khó của người nông dân khi xác định xử lý rác thải với quy mô lớn: “Muốn xây dựng các mô hình nuôi trùn quế để lấy phân, nông dân cần chi phí khá cao do xây dựng cơ sở ban đầu. Chúng tôi rất hy vọng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có thể mở rộng mô hình, gia tăng quy mô xử lý rác thải, tạo ra nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn”.
DIỆP QUỲNH
Nguồn: https://baolamdong.vn/