[VOV2] – Nếu được tận dụng triệt để, các loại phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp sẽ trở thành nguồn tài nguyên tái tạo, không những bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế, xã hội cho đất nước.
Ngành nông nghiệp của nước ta đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ trồng trọt, chăn nuôi bằng các phương thức truyền thống, người dân và các doanh nghiệp đang từng bước chuyển sang sản xuất theo hướng thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm. Tuy nhiên, nền nông nghiệp vẫn còn một điểm yếu là để lãng phí hàng triệu tấn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường.
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất của đất nước nên lượng phế phẩm, phụ phẩm rất lớn (Ảnh KT)
Nhận thấy lượng phế phẩm, phụ phẩm này là nguồn tài nguyên có thể tạo ra lợi ích kép, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159, đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đó là mô hình chăn nuôi bò bằng đệm lót sinh học. Với giải pháp này, bò phát triển đồng đều, tăng trưởng tốt, ít bị dịch bệnh. Đặc biệt, giải pháp này còn giúp công ty của ông tận dụng được nguồn phế phẩm, phụ phẩm của bà con nông dân, giúp tiết kiệm chi phi đầu vào, đồng thời loại được được mùi hôi chuồng trại và giảm phát thải ra môi trường. “Khi tôi làm mô hình này, có người hỏi tôi là cỏ đâu mà nuôi bò? Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn, 100% đầu vào là phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, như rơm, thân cây ngô, cây đậu…là những thứ mà người ta thường đốt, bỏ đi, gây ô nhiễm. Hay ở đây, chúng tôi sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải của bò. Phân, nước tiểu của gia súc được thu lại làm thức ăn cho vi khuẩn, sản suất ra phân vi sinh. Chất thải của bò không bị phát tán ra ngoài, không gây ô nhiễm”, ông Hà cho biết.
Với mô hình kinh tế tuần hoàn, ngoài sản phẩm là thịt của vật nuôi, công ty của ông Thắng còn có thêm nguồn thu đáng kể từ lớp đệm lót sinh học được sử dụng để sản xuất ra các loại phân bón hữu cơ. Từ thực tế tại công ty, ông Thắng cho rằng “kinh tế tuần hoàn” sẽ là hướng đi tất yếu bởi những lợi ích kép mà nó mang lại. “Phế, phụ phẩm nông nghiệp của nước mình khoảng 100 triệu tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu rất lớn. Khi tôi làm mô hình này, có đoàn cán bộ, lãnh đạo của Thái Bình lên tham quan, nghiên cứu. Sau đó, về điều tra họ thấy mỗi năm bà con trong tỉnh đốt bỏ khoảng 1,4 triệu tấn phụ phẩm, phế phẩm, có nghĩa họ đốt bỏ khoảng 7 ngàn tỉ/năm. Không chỉ nghèo, xử lý như vậy còn làm mất cân bằng hệ sinh thái”, ông Thắng chia sẻ.
Hiện mới chỉ có một phần nhỏ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng
Ở nước ta, những công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với mô hình kinh tế tuần hoàn như T&T 159 hiện chưa nhiều. Tuy nhiên, đáng mừng là một số cá nhân cũng đã tiến hành các hoạt động sản xuất theo hướng xanh và bền vững. Có thể kể đến là ông Nguyễn Xuân Hùng, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội với trang trại trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả kết hợp nuôi giun quế. Trong số hơn 15 héc-ta, ông Hùng dành ra hơn hơn 1 héc-ta để nuôi giun quế.
Ông Hùng cho biết, nhờ việc nuôi giun quế, hàng tháng, thay vì phải chi tiền mua phân bón, ông còn có thêm một khoản thu từ việc bán giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ chất thải của giun. Đặc biệt, từ khi áp dụng mô hình này, mỗi ngày, ông còn góp phần giảm thiểu hàng chục tấn chất thải từ hoạt động chăn nuôi của bà con nông dân ra môi trường. “Tôi được một vị chủ tịch hiệp hội giun quế ở trong thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn nuôi giun từ năm 2015. Tôi triển khai từ đó. Đến nay, mỗi ngày tôi thu gom và xử lý khoảng 30 tấn phân bò từ các trang trại chăn nuôi bò sữa của bà con trong xã. Tôi quyết tâm thực hiện việc này vì muốn làm cho môi trường càng ngày xanh, sạch, đẹp”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, địa phương có nghề chăn nuôi bò sữa từ lâu. Mỗi ngày đàn bò của người dân thải ra hàng chục tấn phân. Trước đây, chỉ có một số hộ sử dụng phân làm hầm biogas. Lượng phân còn lại bị thải ra ao, hồ, mương, rãnh gây ô nhiễm môi trường. Từ ngày có mô hình trồng trọt kết hợp nuôi giun quế của Hợp tác xã Hiệp Thư do ông Hùng làm chủ đã hạn chế đáng kể vấn đề ô nhiễm tại địa phương. “Chúng tôi đánh giá cao mô hình nuôi giun quế của HTX Hiệp Thư, góp phần đáng kể trong việc xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trên địa bàn”, ông Tĩnh đánh giá.
Những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm, giá trị cốt lõi, hiện vẫn còn một lượng lớn phế phẩm, phụ phẩm bị thải loại một cách lãng phí. Từ thực tế như hai mô hình vừa đề cập, có thể nói nếu được tận dụng, đây sẽ là nguồn tài nguyên có thể mang lại lợi ích kép, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.
Nguồn: https://vov2.vov.vn/