Nông dân Võ Văn Thanh thực hiện thành công nuôi thử nghiệm mô hình nuôi sâu canxi giúp giảm chi phí và cải thiện môi trường trong chăn nuôi

Với kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm chi phí, mô hình nuôi ruồi lính đen (còn gọi là sâu canxi) đã được nông dân Võ Văn Thanh, ấp Nhơn Hòa, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo thực hiện thành công qua sự hỗ trợ từ Ban Quản lý dự án xử lý rác thải – Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thực hiện.

Anh Võ Văn Thanh sử dụng sâu canxi làm nguồn thức ăn cho cá.

Thực hiện mô hình này, anh Thanh được Ban Quản lý dự án xử lý rác thải – Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang hỗ trợ 50 gram trứng sâu canxi. Sau đó, anh tận dụng ô chuồng heo cũ, phủ màng che bằng lưới mùng để thực hiện mô hình nuôi sâu canxi. Theo anh Thanh, nuôi sâu canxi có hiệu quả khá cao vì đây là loài sinh vật không gây hại, không mang mầm bệnh truyền nhiễm. Thức ăn của loài sinh vật này chủ yếu từ các loại phân gia súc, gia cầm trong quá trình chăn nuôi của gia đình như: Bò, heo, các loại rau, củ, quả, thức ăn thừa… Được biết, sâu canxi có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong các chất thải sinh hoạt, phân gia gia súc, gia cầm, tạo thành chất mùn giàu chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Anh Thanh chia sẻ, vòng đời của sâu canxi chỉ kéo dài khoảng 45 ngày và chia ra các giai đoạn trứng, ấu trùng, nhộng, ruồi trưởng thành. Trong toàn bộ quá trình sinh trưởng, ấu trùng là giai đoạn mang lại hiệu quả cao nhất vì có thành phần dinh dưỡng cao gồm protein, chất béo, canxi, phốt pho… đảm bảo dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi cho cá, gà…, nhằm giảm chi phí chăn nuôi, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Bên cạnh đó, anh Thanh còn tận dung nguồn phân của sâu canxi làm thức ăn để nuôi trùng quế và trồng rau, cây kiểng trong gia đình, góp phần bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Chị Nguyễn Ngọc Tuyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Định cho biết, xã Hòa Định có 03 hộ nông dân thực hiện thí điểm mô hình nuôi sâu canxi, trong đó hộ nông dân Võ Văn Thanh đã thu được hiệu quả khả quan. Anh thực hiện mô hình này được hơn 03 tháng và đang tiếp tục duy trì thực hiện. Hiện nay, anh và Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền cho bà con, những hội viên nông dân học hỏi mô hình để nhân rộng cho bà con nuôi góp phần giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận cho nông dân. Đặc biệt là giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn phân chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa qua xử lý, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe con người.

Nguồn: https://tiengiang.gov.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.