Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức 11 lớp tập huấn tổng quan và kỹ thuật xử lý gốc rạ, rơm, phụ phẩm cây trồng…thành phân hữu cơ cho 330 hội viên, nông dân trên địa bàn.
Hơn 300 hội viên, nông dân tại tỉnh Ninh Bình được giảng viên Hội Nông dân tỉnh trực tiếp trao đổi, hướng dẫn các kiến thức, quy trình và kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Đây là dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.
Hội viên, nông dân tại Ninh Bình chăm chú nghe giảng về kỹ thuật xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Ảnh: HND
Qua đó, giúp hội viên, nông dân biết cách xử lý gốc rạ, rơm…đơn giản, dễ làm sau khi thu hoạch lúa. Đồng thời, giúp giảm chi phí, lao động vận chuyển rơm, phụ phẩm cây trồng đi nơi khác.
Bên cạnh đó còn giảm việc sử dụng phân bón hóa học, tăng phì nhiêu cho đất…giúp cây lúa đẻ nhánh nhanh, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất.
Hội viên, nông dân trực tiếp thực hành xử lý rơm rạ từ chế phẩm. Ảnh: HND
Cụ thể, đối với gốc rạ sau khi thu hoạch sẽ xử lý bằng cách rắc hoặc phun chế phẩm nấm Trichoderma lên (trong điều kiện không ngập nước), cày ruộng ngay sau khi phun chế phẩm. Tiếp theo, sau 3 tuần tiến hành làm đất và cấy lúa như thông thường.
Riêng các phụ phẩm cây trồng khác tiến hành thu gom và tưới chế phẩm sinh học, kết hợp chèn thêm các ống thông khí, che phủ bằng bạt hoặc nilon.
Xử lý rơm rạ sau thu hoạch nhằm tăng độ phì nhiêu của đất. Ảnh: HND
Đồng thời, kiểm tra độ ẩm hàng tuần, sau 75 ngày phụ phẩm trở thành phân hữu cơ màu nâu đen, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng hữu ích cho cây trồng.
Ông Vũ Văn Bốn (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan) cho biết: “Tôi thấy kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ rơm rạ ngay trên đồng ruộng rất thiết thực, thuận tiện. Từ nay tôi sẽ không đốt rơm nữa, mà giữ lại để ủ thành phân bón trực tiếp xuống ruộng lúa”.
Nguồn: https://danviet.vn/