Nuôi gà đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi ở Thái Bình, môi trường sạch, đàn gà khoẻ, thịt ngọt ngon, bán đắt tiền

Được Hội Nông dân tuyên truyền, tập huấn, anh Lê Trí Tài, xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học dày và nuôi sâu canxi làm thức ăn cho đàn gà. Mô hình này giúp đàn gà lớn nhanh, ít bệnh tật, thịt gà ngon ngọt, anh Tài có thu nhập cao, bảo vệ môi trường tốt hơn.

Nuôi gà đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, nông dân Thái Bình thu nhập 100 triệu đồng/năm

Được hưởng lợi từ dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, anh Lê Trí Tài, xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày và nuôi sâu canxi.

Ông Lê Hồng Sơn (thứ 2 bên phải) – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình thăm mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày của anh Lê Trí Tài (ngoài cùng bên phải) ở xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Anh Tài cho biết: Hiện, tôi đang duy trì nuôi khoảng 600 con gà theo hình thức gối đàn. Sau khi triển khai mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, tôi đã giải quyết được vấn đề vệ sinh chuồng nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi. Chuồng nuôi luôn bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát, không có mùi hôi giúp đàn gà khỏe mạnh, ít bị bệnh. Tôi cũng giảm được thời gian vệ sinh chuồng trại sau mỗi vụ, giảm công lao động và chi phí đầu tư.

Chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn dự án xử lý rác thải của Hội Nông dân, cùng với kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, anh Tài đã biết đến mô hình nuôi sâu canxi và áp dụng hiệu quả vào mô hình của mình.

Theo anh Tài, việc nuôi sâu canxi mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân. Sâu canxi có thể giúp anh xử lý lượng lớn rác thải hữu cơ từ sinh hoạt gia đình, đồng thời cũng sử dụng sâu canxi làm nguồn thức ăn dinh dưỡng cho gà.

Cùng với nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, anh Tài còn nuôi sâu canxi. Theo anh Tài, việc nuôi sâu canxi mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân, vừa xử lý lượng lớn rác thải hữu cơ, vừa làm nguồn thức ăn cho gà.

“Ăn sâu canxi, gà khỏe, thịt thơm. Như gia đình tôi, cho gà ăn thêm sâu canxi khoảng hai tới ba bữa một tuần. Lượng canxi này bổ sung rất tốt cho đàn gà, giúp gà lớn rất nhanh, thịt thơm ngon”- anh Tài nói.

Anh Tài cho biết thêm: Từ việc ứng dụng 2 mô hình này vào chăn nuôi góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện kinh tế gia đình với mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Nông dân nhàn, môi trường thêm xanh sạch hơn

Ông Bùi Văn Dược ở thôn Phú Cốc, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là 1 trong những nông dân được tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học. Sau khi được Hội Nông dân tập huấn, ông Dược đã tiên phong áp dụng mô hình xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học trên diện tích 7 mẫu ruộng và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Dược cho biết: “Trước đây tôi thường cày dập rạ xuống đất, khi cấy gốc rạ rất khó phân hủy. Được Hội Nông dân tập huấn xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học, tôi thấy việc sử dụng chế phẩm khá dễ, chỉ trộn chế phẩm với đất hoặc phân rải lên mặt ruộng. Sau khoảng 10 ngày, gốc rạ đã bị phân hủy, tạo thành phân hữu cơ.

Khi xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học, tôi thấy đất ruộng có độ tơi xốp, giàu mùn hơn. Cây lúa phát triển khỏe mạnh, đẻ nhánh sớm, bộ rễ dài và ít sâu bệnh hơn trước, năng suất tăng so với ruộng đối chứng”.

Hội Nông dân tỉnh Thái Bình tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng.

Từ hiệu quả của mô hình, năm nay, không chỉ ông Dược mà còn nhiều hộ nông dân xã Nam Bình đều tiếp tục thực hiện mô hình này. Bởi bà con nông dân địa phương nhận thấy đây là một bước chuyển đổi quan trọng từ phương pháp cày vùi truyền thống sang sử dụng chế phẩm vi sinh để cải thiện chất lượng đất và nâng cao năng suất cây trồng. 

Một lợi ích nữa mà dự án mang lại là sau vụ thu hoạch lúa vừa qua trên các cánh đồng của xã Nam Bình đã không còn hình ảnh khói bụi mù mịt từ việc đốt rơm rạ của bà con nông dân.

Từ khi tham gia mô hình lên men phụ phẩm cây trồng của Hội Nông dân tổ chức, ông Phí Quốc Tuấn ở thôn Ký Con, xã Xuân Quang Động, huyện Đông Hưng đã giảm hẳn chi phí đầu tư cho chăn nuôi nhờ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có cho vật nuôi.

Ông Tuấn cho biết: Sau khi áp dụng thử kỹ thuật ủ thức ăn lên men, tôi thấy thức ăn sau khi được lên men có mùi chua dịu, thơm nhẹ. Tôi đã trộn một phần thức ăn lên men với thức ăn thô xanh, trâu bò rất thích ăn. Nhà tôi không còn lo thiếu thức ăn cho trâu bò vào mùa khô, lại tiết kiệm được một khoản đáng kể chi phí đầu tư mua thức ăn.

Hội Nông dân tỉnh Thái Bình xây dựng thành công 900 mô hình xử lý rác thải hữu cơ

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Thái Bình.

Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã lựa chọn 9 xã tại 3 huyện: Đông Hưng, Thái Thuỵ, Kiến Xương.

Ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho biết: Dự án tập trung vào 5 kỹ thuật xử lý rác thải, bao gồm: Lên men phụ phẩm cây trồng thành thức ăn chăn nuôi; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học; nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế.

Các kỹ thuật của Dự án dễ hiểu, dễ làm, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giúp bà con nông dân tận dụng được nguồn phế phụ phẩm cây trồng, chất thải của vật nuôi thải ra, giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Theo đó, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã tổ chức 32 lớp tập huấn cho 960 hội viên, nông dân với các nội dung: Kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, kỹ thuật nuôi sâu canxi và giun trùn quế. 

Sau các lớp tập huấn, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng thành công 900 mô hình xử lý rác thải hữu cơ  áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường, như kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi sâu canxi, trùn quế, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học với hàng nghìn hộ dân tham gia.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cũng tổ chức 6 buổi tham quan thực tế cho 222 cán bộ, hội viên nông dân, giúp họ học hỏi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện thu nhập.

Hội Nông dân tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động của 9 tổ tuyên truyền, thu gom rác thải tại các xã tham gia dự án. Hội Nông dân tỉnh cũng đã bàn giao 9 máy băm phụ phẩm nông nghiệp và 15 thùng đựng rác cho hội viên với tổng trị giá trên 73 triệu đồng.

“Thành công của dự án chính là thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang phương pháp chăn nuôi, canh tác mới, thân thiện với môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững” – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình nói.

Để tiếp tục nhân rộng mô hình xử lý rác thải hữu cơ và phát huy hiệu quả của dự án trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, thay đổi nhận thức áp dụng các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ, bảo vệ môi trường nông thôn. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống xã hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, nhân rộng các mô hình xử lý rác thải hữu cơ với các chương trình, hoạt động, công tác hội.

Việc nhân rộng mô hình xử lý rác thải hữu cơ không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở ra nhiều cơ hội giúp người nông dân nâng cao thu thập, góp phần tạo ra một tương lai bền vững cho nông nghiệp Việt Nam – một nền nông nghiệp sạch hơn, xanh hơn và bền vững.

Nguồn: https://danviet.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.