Giới thiệu về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Nói đến canh tác lúa thân thiện môi trường là nói đến phương pháp canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới. Những kỹ thuật tác động bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa tạo hiệu ứng hàng biên, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ. Ở Việt Nam phương pháp này đã được triển khai từ năm 2003 tại các tỉnh phía Bắc đến nay diện tích được áp dụng lên tới hàng trăm nghìn ha tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế…
Để nắm rõ hơn hiệu quả về phương pháp này, trước tiên xin mời quý vị quay trở lại để tìm hiểu về phương pháp canh tác truyền thống được bà con áp dụng trước đây. Người Việt trồng lúa không chỉ để ăn mà còn là môi trường sống tạo nên xã hội với nét văn hóa đặc sắc, là sống hài hòa thân thiện với môi trường xung quanh. Cây lúa và canh tác lúa đã đi vào đời sống sinh hoạt hàng ngày, thơ ca, nghệ thuật… Để tăng năng suất trong việc trồng lúa nông dân luôn tìm mọi cách để tăng năng suất lúa mà ít quan tâm đến môi trường có thể đã bị khai thác quá mức và đang bị hủy hoại. Nông dân thường sử dụng độc canh cây lúa, không sử dụng giống lúa xác thực, cấy hoặc gieo sạ ở mật độ dầy, cấy mạ già và mật độ cao, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc hóa học, sử dụng thuốc trừ cỏ, giữ nước trong ruộng liên tục, đốt hoặc vùi rơm rạ trong điều kiện yếm khí tạo ra nhiều khí phát thải nhà kính và gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Phương pháp canh tác lúa thân thiện môi trường là hoạt động sản suất không tạo các chất gây ô nhiễm, không làm tổn hại đến vi sinh vật đất và thiên địch, không làm mất cân bằng sinh thái, không làm giảm đa dạng sinh học, giảm thiểu phát thải nhà kính gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Phương pháp canh tác lúa thân thiện môi trường mang lại lợi ích gì?
Về kinh tế: Tiết kiệm được chi phí đầu vào như giảm giống từ 70 – 90% với lúa cấy, 39 – 65% với lúa gieo sạ, giảm đạm từ 20 – 28%, giảm chi phí bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ….) từ 39 – 62%, giảm chi phí thủy lợi (nước) từ 30 – 35%), năng suất lúa cao ổn định (tăng năng suất từ 9 – 15%), tăng hiệu quả đầu tư, tăng giá thành lúa gạo, tăng lợi nhuận từ 15 – 35% và sẽ giảm rủi ro cho nông dân về lúa đổ gã và dịch bệnh.
Về sức khỏe: Sức khỏe được nâng cao khi ít phải tiếp xúc thường xuyên với các loại thuốc trừ sâu, thuốc cỏ… ít bị phơi nhiễm với độc hại của thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh; sản phẩm thóc gạo với chất lượng cao, ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và đạm vô cơ; môi trường sống không gây hại cho sức khỏe con người.
Về nhận thức: Nông dân sẽ nắm rõ hơn về qúa trình sinh trưởng, sinh lý, yêu cầu ngoại cảnh của cây lúa; các mối quan hệ và quy luật sinh thái (hiểu biết bảo vệ sinh vật có ích ăn sâu hại); có tư duy hệ thống theo hướng nông nghiệp sinh thái và sản xuất lúa bền vững.
Về hành động: Tập quán, thói quen canh tác lúa cũ không thân thiện với môi trường sẽ được nhận ra và được thay đổi. Nông dân nắm bắt được kỹ năng, kỹ thuật về phương pháp canh tác tiến bộ, dần trở thành những nông dân nòng cót giúp đỡ cộng đồng phát triển.
Về trách nhiệm xã hội: Nâng cao vai trò, trách nhiệm bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu của người sản xuất lúa.
Việc áp dụng rộng rãi phương pháp canh lúa thân thiện môi trường là rất cần thiết trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện nay đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Để nhân rộng mô hình áp dụng canh lúa thân thiện với môi trường và nâng số lượng nông dân được tiếp cận, áp dụng, cần có các chính sách hỗ trợ và sự tham gia của chính quyền các địa phương, sở ngành, tổ chức nông dân cũng như các bên liên quan để thúc đẩy hơn nữa lợi ích từ các mô hình canh tác lúa theo hướng nông nghiệp sinh thái. Với ý nghĩa đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án lúa), Dự án được thực hiện từ 2020 – 2023.