Nhân rộng diện tích canh tác lúa thân thiện với môi trường ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) – Dự án tuyên truyền, vận động nông dân Hà Tĩnh áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Chiều 24/4, Hội Nông dân Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường cho gần 200 hội viên, nông dân trên địa bàn xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) Nguyễn Tiến Anh chia sẻ về thông tin, hoạt động của dự án lúa.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân đã chia sẻ về thông tin, hoạt động của dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam.”

Đây là dự án do Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) tài trợ thông qua Hội Nông dân Việt Nam. Dự án đã và đang được triển khai tại 24 tỉnh.

Riêng tại Hà Tĩnh, dự án được triển khai thực hiện tại xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ và Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà từ tháng 1/2022 đến 6/2023.

Hội viên, nông dân Lâm Trung Thủy thảo luận, trao đổi về các phương pháp canh tác lúa thân thiện môi trường.

Dự án có mục tiêu góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, cũng như giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ bà con thông qua các hoạt động.

Bên cạnh đó, nâng cao kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa (trong đó tập trung vào 3 kỹ thuật chính bao gồm: giảm phân hóa học, tưới ướt khô xen kẽ, xử lý rơm rạ); nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Từ 1.000m2, đến nay xã Lâm Trung Thủy đã có 15ha lúa canh tác thân thiện với môi trường

Tại xã Lâm Trung Thủy, vụ xuân 2022, dự án đã xây dựng mô hình trình diễn về canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích 1.000 m2 tại thôn Hoa Ích Lâm; nhân rộng diện tích lên 15ha tại 3 thôn Hoa Ích Lâm, Tường Vân và Văn Xá vào năm 2023.

Việc áp dụng các biện pháp tưới ướt khô xen kẽ, bón phân hợp lý và xử lý gốc rạ sau thu hoạch đã mang đến những kết quả tích cực trong quá trình sản xuất lúa như: Lúa có bộ rễ đẹp, dài, ăn sâu, ít rễ đen so với các ô ruộng khác sản xuất theo tập quán địa phương; lúa đảm bảo đạt mức cao nhất so với mặt bằng chung của địa phương.

Tiểu phẩm truyền thông dự án.

Cùng với đó, việc xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học đã làm cho gốc rạ phân hủy nhanh, lúa không bị nghẹt rễ như các ruộng sản xuất đối chứng; phân hữu cơ giúp cho đất có độ mùn tốt hơn, xốp đất hơn; việc tưới ướt khô xen kẽ giúp tiết kiệm lượng nước tưới cần sử dụng cho 1 chu kỳ sinh trưởng của cây lúa khoảng 15%.

Đồng thời, bón phân cân đối, hợp lý, giảm phân bón hóa học nhằm giảm chi phí đầu tư (có thể giảm 150 nghìn đồng/sào), giảm thiểu sự phát thải các hóa chất vào môi trường; hoạt động xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học để tạo thành phân hữu cơ, hạn chế việc đốt rơm rạ làm giảm phát thải khí độc hại…

Tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa đã giúp dự án đến gần hơn với hội viên, nông dân

Được biết, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân đẩy mạnh áp dụng các biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, Hội Nông dân tỉnh, BQL dự án tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động như: Hội thảo đầu bờ vụ xuân 2023, hội nghị truyền thông canh tác lúa thân thiện với môi trường cấp huyện… Trước mắt, ngày 25/4, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hội nghị cấp xã tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà.

Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thủy: Đề nghị Hội Nông dân huyện Đức Thọ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn toàn huyện áp dụng các biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân.

Nguồn: https://baohatinh.vn/

Tin liên quan:

.